Tôi đăng ký tham gia Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 từ xa đến nay là đợt 3. Hầu hết các bệnh nhân F0 tôi gọi điện tư vấn đều đang cần hỗ trợ. Tuy nhiên, đôi khi tôi cũng gặp phải những tình huống “dở khóc, dở cười”. Nhớ có lần tôi gọi đến cho bệnh nhân để tư vấn nhưng bệnh nhân lại tưởng mình là lừa đảo…
Một ngày trực 24 giờ ở bệnh viện (ngày 16/8)
Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên
Năm sinh 1992
Nơi công tác: Bệnh viện Nhi đồng 1
Bác sĩ tham gia Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành hỗ trợ tư vấn từ xa cho bệnh nhận Covid-19 và nhóm có nguy cơ mắc Covid-19
6:00
Tôi thường thức dậy lúc 6 giờ sáng, sau khi sửa soạn, tôi rời nhà vào lúc 6 giờ 30 phút để bắt đầu một ngày làm việc. Lịch làm việc của tôi không cố định mà thay đổi theo từng ngày. Hôm thì làm việc tại bệnh viện, có bữa lại đi lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trong cộng đồng hay bữa lại đi chích ngừa vaccine. Hôm nay tôi có lịch trực 24 tiếng ở bệnh viện.
7:00
Tôi có mặt tại bệnh viện lúc 7 giờ và chuẩn bị họp giao ban với khoa trong khoảng 30 phút.
7:30
Hôm nay đến ngày kiểm tra định kỳ, lấy mẫu xét nghiệm PCR SARS-CoV-2 cho thân nhân, bệnh nhân và toàn bộ nhân viên bệnh viện. Sau 30 phút giao ban đầu ngày, chúng tôi bắt đầu lấy mẫu xét nghiệm, tôi là người lấy mẫu xét nghiệm cho cả nhân viên và bệnh nhân. Công việc lấy mẫu kéo dài một giờ đồng hồ.
8:30
Tôi bắt đầu khám cho các bệnh nhân ở phòng bệnh, thăm khám cho các bệnh nhân, giải quyết công việc xét nghiệm, kê đơn thuốc, làm thủ tục xuất viện, tiếp nhận bệnh nhân mới nhập viện… công việc kéo dài đến 11 giờ 30 phút.
11:30
Giờ nghỉ trưa cũng là lúc tôi vào ca trực cùng Mạng lưới thầy thuốc đồng hành. Thông qua mạng lưới này, mỗi ngày tôi sẽ tham gia trực tư vấn từ xa cho các bệnh nhân Covid-19 (F0) đang tự cách ly ở nhà hai lần, một lần vào giờ nghỉ trưa và một lần vào buổi tối sau khi giải quyết xong các công việc khác. Buổi trưa thường là từ 11-12 giờ, buổi tối thường là từ 21-22 giờ.
Tôi tranh thủ ăn bữa trưa, rồi mở ứng dụng Mạng lưới thầy thuốc đồng hành. Khi vào ứng dụng, thông tin bệnh nhân được đổ xuống trong ứng dụng, tôi gọi điện thoại xác nhận lại thông tin bệnh nhân để phân nhóm bệnh nhân theo mức độ nguy cơ.
Nếu nhóm nguy cơ thấp tôi sẽ phân xuống cho tình nguyện viên tư vấn, nếu bệnh nhân ở nhóm có triệu chứng trung bình thì tôi sẽ trực tiếp tư vấn cho bệnh nhân, gọi điện thoại hỗ trợ ngày 2 lần; còn những bệnh nhân nặng tôi sẽ liên hệ cấp cứu.Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên
Ngoài tham gia tư vấn cho các bệnh nhân F0 thuộc Mạng lưới thầy thuốc đồng hành, tôi cũng sẽ lên Zalo xem tin nhắn của các bệnh nhân cũ. Tin nhắn cũng nhiều lắm, tôi làm chuyên khoa thận, thông thường thì thì bệnh nhân thận sẽ tái khám định kỳ mỗi tháng. Bệnh nhân của tôi đa phần ở các tỉnh thành phía nam, thời gian này đang cách ly toàn bộ, bệnh nhân lại chủ yếu ở các tỉnh xa không đi tái khám được nên bệnh nhân sẽ hỏi tôi về vấn đề thuốc hoặc xét nghiệm gì đó qua Zalo, điện thoại…
Tôi cũng tham gia trực tư vấn online khám bệnh từ xa các bệnh nhi thông thường và chuyên khoa qua kênh tư vấn của Bệnh viện Nhi Đồng 1. Tôi cố gắng trả lời tối đa những vấn đề có thể giải quyết qua tin nhắn, những bệnh lý nặng hoặc cần thăm khám trực tiếp, tôi sẽ tư vấn cho bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất hoặc nhập viện để được thăm khám toàn diện hơn.
Bác sĩ Duyên tư vấn cho bệnh nhân Covid-19 thông qua Mạng lưới thầy thuốc đồng hành.
13:00
Sau khi tư vấn cho các bệnh nhân từ xa, tôi nghỉ ngơi một chút rồi lại bắt tay vào giải quyết công việc buổi chiều. Tôi coi các xét nghiệm của bệnh nhân, nếu có gì bất thường sẽ tiến hành khám lại cho bệnh nhân và tiếp nhận bệnh nhân mới, khi có bệnh nhân lúc nào thì tiếp nhận bệnh nhân lúc đó.
Do hôm nay tôi trực 24/24 giờ tại bệnh viện nên sẽ tiếp tục ca trực như thế cho đến khi kết thúc vào 7 giờ sáng ngày hôm sau.
21:00
Tranh thủ ca trực tại bệnh viện, tôi lại mở ứng dụng Mạng lưới thầy thuốc đồng hành. Hôm nay, ứng dụng có một chút trục trặc nên tôi không thực hiện được cuộc gọi.
Mấy hôm nay tôi đang tư vấn hỗ trợ một cô bệnh nhân F0, 65 tuổi, cô ở trong nhà tự điều trị. Cô ấy có một người con, con của cô đi làm ở ngoài về không may mắc bệnh. Cô mua được bộ xét nghiệm nhanh về thì xét nghiệm cô cho kết quả dương tính với Covid-19. Rất may, cô ấy dù lớn tuổi nhưng không có bệnh nền, cho nên cô cũng chỉ hỏi triệu chứng về ho, sốt thôi.
Cô theo dõi được 3-4 ngày nay rồi, hiện tại chắc cô cũng ổn, không thấy khó thở hay các triệu chứng nặng khác, chỉ ho một chút và cảm thấy mệt mỏi. Tôi tư vấn cho cô một số thuốc hạ sốt, tăng cường dinh dưỡng và động viên cô để có thêm sức mạnh chiến thắng virus.
Hầu hết các bệnh nhân F0 tôi gọi điện tư vấn đều đang cần hỗ trợ. Tuy nhiên, đôi khi tôi cũng gặp phải những tình huống “dở khóc, dở cười”.
Nhớ có lần tôi gọi đến cho bệnh nhân để tư vấn nhưng bệnh nhân lại tưởng mình là lừa đảo hoặc là có những ngày hệ thống cập nhật chưa được tốt lắm cho nên có những bệnh nhân mình gọi khiến họ cũng rất khó chịu, họ không biết vì sao mình gọi, rồi có những người đã hết bệnh từ lâu rồi nhưng thông tin vẫn lưu trên hệ thống.Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên
22:30
Tối nay các thành viên trong khoa tôi gọi điện thoại nói chuyện với nhau qua ứng dụng viber. Khoa tôi hiện có 16 bác sĩ, chúng tôi rất thân thiết và xem nhau như người thân trong gia đình vì đã gắn bó và làm việc chung trong suốt những năm qua.
Đợt dịch bùng phát lần này làm nhiều thứ thay đổi, chúng tôi không được gặp nhau và trao đổi mỗi ngày, mỗi người một nơi: người thì ở bệnh viện dã chiến, người thì được điều động qua bệnh viện Trưng Vương để điều trị các ca F0 trẻ em, người ở Khu cách ly ký túc xá Đại học Quốc gia, người được phân công vào khu điều trị bệnh nhân F0 tại bệnh viện, còn lại ở lại tham gia công tác điều trị tại khoa phòng cũ.
Tuy chỉ tranh thủ được 15 đến 30 phút nói chuyện chia sẻ với nhau, tinh thần mọi người đều lạc quan hơn hẳn. Chúng tôi động viên nhau tiếp tục gắng sức, đồng hành cùng các ban ngành vượt qua đại dịch để lại được sát cánh làm việc cùng nhau, để Sài Gòn lại quay trở lại nhộn nhịp và tươi vui như ngày nào.
23:00
Tôi nghỉ tại bệnh viện và tiếp tục ca trực, hỗ trợ và tiếp nhận bệnh nhân trong đêm. Đến sáng ngày hôm sau, sau khi khám xong bệnh nhân khoảng 8 giờ thì hết ca trực tôi sẽ về nhà nghỉ.
6:00 ngày 17/8
Tôi thức dậy, nhanh chóng vệ sinh cá nhân, thăm khám bệnh nhân trong khoa phòng, giải quyết xuất viện cho bệnh nhân. Hôm nay, tôi cho một bé bệnh nhân xuất viện, bé vui mừng bảo rất nhớ mẹ và muốn về nhà. Nhìn ánh mắt long lanh tràn ngập niềm vui của bé, tôi cảm thấy buổi sáng của mình bắt đầu bằng những việc hết sức ý nghĩa.
7:00
Tôi báo cáo tình hình trực đêm, giao lại bệnh cho bác sĩ ca trực sau và về nhà.
Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành được thành lập theo sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, với sự phối hợp thực hiện của Tổ thông tin đáp ứng nhanh (thường trực là Bộ Khoa học và công nghệ) và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam.
Mạng lưới này được thành lập nhằm huy động nguồn lực xã hội tư vấn người nhiễm hoặc có nguy cơ cao mắc Covid-19 tại cộng đồng, hỗ trợ tăng cường cho Y tế các tỉnh đang thực hiện chỉ thị 16 tăng cường. Các tình nguyện viên tham gia tư vấn là nhân viên y tế và bác sĩ trên cả nước.
Thông tin về mức độ nguy cơ của từng ca bệnh sẽ được ghi nhận, cập nhật hằng ngày. Đối với các trường hợp được xác nhận là nguy cơ cao, Mạng lưới sẽ kết hợp với Sở Y tế địa phương, 115 cùng các bệnh viện dã chiến để hỗ trợ bệnh nhân được nhận cấp cứu kịp thời.
—-
Tổ chức sản xuất: Ngọc Thanh
Thực hiện: Hữu Việt, Hồng Minh, Lê Vân, Bông Mai, Dương Minh Anh, Phương Mai, Thiên Vương, Mạnh Hảo
Link trên Báo Nhân Dân: https://special.nhandan.vn/lethimyduyen/index.html